Gần đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, gây lo ngại về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Tôi xin phép tổng hợp nguồn tin và phân tích vài chi tiết sự việc dưới đây:
Thành phần được công bố nhưng không có trong sản phẩm: Các sản phẩm sữa bột giả đã công bố chứa các thành phần cao cấp như: Chiết xuất tổ yến; Đông trùng hạ thảo; Bột macca; Bột óc chó. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, các thành phần này hoàn toàn không có trong sản phẩm thực tế. Thay vào đó, các đối tượng đã sử dụng các chất phụ gia và hương liệu để giả mạo thành phần dinh dưỡng, đánh lừa người tiêu dùng về công dụng của sản phẩm.
Nhìn chung, các sản phẩm sữa bột giả thường sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không ghi nhãn, có chất lượng kém và giá trị dinh dưỡng thấp, một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Một số nguyên liệu này có thể chứa dư lượng thuốc thú y hoặc chất bảo quản vượt mức cho phép, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Mặc dù chưa có thông tin cụ thể về các chất độc hại trong vụ việc này, nhưng trong các vụ sữa giả quốc tế trước đây, các chất như melamine, chì và vi khuẩn Salmonella đã từng được phát hiện trong sữa giả, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng
Ngoài ra, một số sản phẩm sữa bột công thức đã bị phát hiện chứa chất gây ung thư như glycidol và 3-MCPD, mặc dù hàm lượng nằm trong mức cho phép của EU. Tuy nhiên, việc sử dụng lâu dài các sản phẩm chứa các chất này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe.
Tác hại tiềm ẩn của việc sử dụng sữa bột giả có thể dẫn đến hai nguy cơ nổi trội với người dùng bao gồm:
- Nguy cơ ngộ độc: Nếu sản phẩm chứa các chất độc hại như melamine, chì hoặc vi khuẩn Salmonella, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính hoặc chứa các thành phần chất bảo quản vượt mức về lâu dài có thể gây ra nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gan, thận và sức khoẻ nói chung, kể cả việc dẫn đến nguy cơ ung thư.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Do sản phẩm không chứa các thành phần dinh dưỡng như công bố, người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, người bệnh và phụ nữ mang thai, có thể bị thiếu hụt các chất cần thiết như canxi, sắt, vitamin D, DHA do tư tưởng lệ thuộc vào sản phẩm bổ sung, không nỗ lực cải thiện chất lượng bữa ăn hoặc các phương pháp nâng cao hoạt động của hệ tiêu hoá một cách an toàn, dẫn đến suy dinh dưỡng và chậm phát triển.
Thật may, cơ quan chức năng đã khởi tố và bắt tạm giam nhiều đối tượng liên quan đến các đường dây sản xuất sữa bột giả. Các đối tượng này đã lợi dụng tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là những người có nhu cầu dinh dưỡng cao như bệnh nhân tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai, để tiêu thụ sản phẩm giả mạo. Thật khó có thể tưởng tượng và cũng không thể chấp nhận những hành động của những đối tượng này.
Nhóm đối tượng này bị bắt, cũng chưa đảm bảo không có nhóm đối tượng khác xuất hiện, vì vậy, Chúng ta cần suy tính những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.
Yếu tố đầu tiên và cấp thiết mà Tôi vô cùng kỳ vọng chính là cơ quan chức năng cần thật sự can thiệp, đánh giá, kiểm soát các cơ sở sản xuất một cách chặt chẽ, cơ sở sản xuất là gốc rễ khơi nguồn cho mọi vấn đề liên quan, cần có chính sách bảo vệ người tiêu dụng một cách rõ rệt thông qua việc quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm thực phẩm nói chung.
Về phía người tiêu dùng, để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Ngoài những khuyến cáo cơ bản, người tiêu dùng có thể chủ động hơn nữa bằng cách áp dụng các biện pháp sau:
*Sử dụng ứng dụng truy xuất nguồn gốc như:
- Tải và sử dụng các ứng dụng quét mã QR/Barcode để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, lô sản xuất, nhà máy sản xuất, hạn sử dụng.
- Một số ứng dụng phổ biến: iCheck, CheckVN, Scan and Check (của Bộ Công Thương).
- Nếu quét không ra thông tin rõ ràng → khả năng hàng giả, cần tránh mua hoặc tham khảo kỹ lưỡng thêm.
*Cập nhật danh sách cảnh báo từ Bộ Y tế/Cục ATTP
Theo dõi thông tin cảnh báo từ các cơ quan quản lý thường xuyên cập nhật danh sách sản phẩm bị thu hồi hoặc có dấu hiệu vi phạm như:
- Cục An toàn Thực phẩm (https://vfa.gov.vn/)
- Tổng cục Quản lý thị trường
*Tham khảo ý kiến Dược sỹ, Bác sỹ: Khi lựa chọn sữa, đặc biệt cho người bệnh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, nên tham khảo từ nhà thuốc uy tín, bệnh viện hoặc dược sỹ lâm sàng để được tư vấn loại phù hợp. Tránh tự ý mua theo truyền miệng hoặc qua nhóm mạng xã hội không kiểm chứng.
*Yêu cầu hóa đơn và chính sách đổi trả rõ ràng: Khi mua hàng, yêu cầu cung cấp hóa đơn VAT hoặc hóa đơn bán lẻ có dấu xác nhận.
*Ưu tiên các hệ thống phân phối chính hãng
- Mua tại: Nhà thuốc đạt chuẩn GPP; Hệ thống nhà thuốc chuỗi đạt chuẩn GPP; Siêu thị uy tín; Trang web chính thức của hãng sản xuất.
- Tránh mua từ cá nhân hoặc qua livestream không rõ ràng.
Việc tiêu thụ sữa bột giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, thực hiện theo các biện pháp đề xuất ở trên khi quyết định chọn một sản phẩm bổ sung, chăm sóc sức khoẻ và tuân thủ các khuyến cáo từ cơ quan chức năng để bảo vệ bản thân và gia đình. Cám ơn Bạn đã đọc bài tổng hợp. Chúc Bạn và Gia đình luôn bình an và mạnh khoẻ.
Tài liệu tham khảo
1. Báo Chính Phủ. (2025, ngày 17 tháng 4). Bệnh viện 108 thu hồi sản phẩm liên quan đến đường dây sữa giả. Truy cập tại: https://baochinhphu.vn/benh-vien-108-thu-hoi-san-pham-lien-quan-den-duong-day-sua-gia-102250417210609122.htm
2. Báo Tuổi Trẻ. (2025, ngày 12 tháng 4). 600 loại sữa bột giả ra thị trường: Nguy hại thế nào, làm sao để nhận biết?. Truy cập tại: https://tuoitre.vn/600-loai-sua-bot-gia-ra-thi-truong-nguy-hai-the-nao-lam-sao-de-nhan-biet-20250412153652323.htm
3. Báo Tuổi Trẻ. (2025, ngày 15 tháng 4). Vụ 600 loại sữa giả: Ai cấp phép cho sản phẩm?. Truy cập tại: https://tuoitre.vn/vu-600-loai-sua-gia-tren-thi-truong-ai-cap-phep-cho-san-pham-20250415104110581.htm
4. Báo VnExpress. (2025, ngày 16 tháng 4). Gần 600 nhãn hiệu sữa giả tự công bố chất lượng. Truy cập tại: https://vnexpress.net/gan-600-nhan-hieu-sua-gia-tu-cong-bo-chat-luong-4874734.html
5. Báo VnExpress. (2025, ngày 17 tháng 4). Thêm một bệnh viện thu hồi sữa của công ty sản xuất hàng giả. Truy cập tại: https://vnexpress.net/them-mot-benh-vien-thu-hoi-sua-cua-cong-ty-san-xuat-hang-gia-4875737.html
6. Báo Dân Trí. (2025, ngày 15 tháng 4). Những độc tố từng được tìm thấy trong sữa bột giả. Truy cập tại: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-doc-to-tung-duoc-tim-thay-trong-sua-bot-gia-20250415065141442.htm
7. Báo Nhân Dân. (2025, ngày 16 tháng 4). Sữa giả và những hiểm họa khôn lường với sức khỏe cộng đồng. Truy cập tại: https://nhandan.vn/sua-gia-va-nhung-hiem-hoa-khon-luong-voi-suc-khoe-cong-dong-post872127.html
Người viết nội dung: Dược sỹ Đại học Huỳnh Kim Thoa