1. Mụn rộp môi là gì? Nguyên nhân gây mụn rộp môi
Mụn rộp môi hay còn gọi là Herpes môi là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi rút herpes simplex. Mụn rộp có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, phổ biến nhất là trên bộ phận sinh dục hoặc miệng. Có hai loại vi rút herpes simplex:
-
HSV-1: Chủ yếu gây ra mụn rộp ở miệng, thường là nguyên nhân gây ra mụn rộp xung quanh miệng và trên mặt, mắt
-
HSV-2: Chủ yếu gây ra mụn rộp sinh dục.
-
Khoảng 80% dân số nhiễm virus này, nhưng bình thường chúng nằm yên trong cơ thể, chỉ có khoảng 25% phát bệnh khi có điều kiện thuận lợi, xảy ra chủ yếu ở trẻ em và cả người lớn. Mỗi đợt kéo dài 1 - 3 tuần, tùy vào cơ địa, một năm có thể tái phát 1 - 2 lần hoặc 3 - 4 lần
2. Triệu chứng của mụn rộp môi (Herpes môi)
Dấu hiệu dễ thấy là bị ngứa, nóng, rát, đỏ da, có cảm giác lăn tăn ở môi, sau đó xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti, tập trung thành từng đám trên môi hay quanh môi (đôi khi ở miệng, má, cằm, mũi) khi vỡ ra sẽ lây sang những vùng da khác.
Trường hợp sức đề kháng yếu hoặc bị các bệnh làm suy giảm miễn dịch, bệnh thường nặng (lan rộng, kéo dài, có biến chứng). Còn lại đa số trường hợp khác, bệnh thường nhẹ có thể tự khỏi trong vài tuần.
3. Đối tượng, yếu tố nguy cơ dễ bị mụn rộp môi
Sau khi bị nhiễm, virus sẽ tồn tại trong cơ thể và tái diễn khi gặp điều kiện thuận lợi nếu không được điều trị triệt để trong giai đoạn bùng phát. Giai đoạn tiền phát trong khoảng 6 đến 48 giờ đầu tiên khi mụn chưa mọc sẽ có cảm giác nóng ran, ngứa, tê, căng hoặc đau ở vùng nhiễm bệnh, sau đó phát triển thành mụn nước thành chùm
Những nguyên nhân kích thích bệnh mụn rộp tái phát gồm:
-
Bất kỳ ai cũng có thể mắc HSV, bất kể tuổi tác thông qua vết thương trên vùng da xung quanh và bên trong miệng.
-
Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, đặc biệt vùng môi
-
Căng thẳng, mệt mỏi, dị ứng mỹ phẩm, tổn thương vùng môi
-
Mang thai hoặc thay đổi nội tiết do chu kỳ kinh nghuyệt
-
Tiếp xúc với vết phồng hoặc chất dịch từ người bệnh thông qua ăn uống chung, dùng chung dụng cụ vệ sinh hoặc dao cạo, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bị bệnh.
-
Nữ giới hay mắc bệnh mụn rộp ở môi khi can thiệp các phương pháp làm đẹp như phun xăm (lây qua dụng cụ và màu để xăm)
-
Lây nhiễm HSV1 qua đường tình dục do quan hệ bằng miệng.
4. Điều trị mụn rộp môi như thế nào?
Việc điều trị nên được sử dụng từ sớm ngay từ khi bắt đầu có triệu chứng để giảm triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, rút ngắn thời gian bị bệnh và giảm tần suất tái phát các đợt cấp.
-
Thuốc kháng virut (acyclovir, famcyclovir, valacylovir) đường uống: Trường hợp nhẹ hay nặng đều nên dùng, vì thuốc làm rút ngắn thời gian bị bệnh, giảm tái phát và có thể điều trị triệt để nếu tuân thủ đúng liều lượng liệu trình dùng thuốc, trường hợp nặng càng cần phải dùng vì thuốc giúp giảm mức độ trầm trọng. Dùng càng sớm càng tốt, ngay sau khi có dấu hiệu bị bệnh đầu tiên (ngứa, nóng rát, đỏ). Liều dùng cao (acyclovir mỗi ngày uống 4 - 5 lần, mỗi lần 400mg). Đợt dùng thường kéo dài 5 - 7 ngày. Riêng với người bệnh có nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch đợt dùng tối thiểu 10 ngày.
-
Thuốc chăm sóc tại chỗ: trường hợp nặng hay nhẹ đều cần dùng kháng virut dạng bôi acyclovir 5% kết hợp với thuốc uống thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Việc chỉ sử dụng dạng bôi làm cho quá trình loại bỏ virut ra khỏi cơ thể không triệt để dẫn đến việc virut còn tồn tại và chờ điều kiện thuận lợi để bùng phát trở lại gây ra nhiều đợt tái nhiễm sau đó.
-
Thuốc giảm đau: Mụn rộp ở môi không gây đau dữ dội nhưng thường kéo dài, gây khó chịu
-
Thuốc chống bội nhiễm vi khuẩn tại vết loét: Dung dịch povidin, dung dịch milian, kháng sinh ngoài da như fusidic acid, mupirocin…
-
Nâng cao thể trạng: Vitamin C, thymomodulin.
-
Thuốc ngăn ngừa tái phát: Chỉ dùng thuốc ngừa tái phát thường xuyên, lâu dài với những người mỗi năm tái phát từ 6 lần trở lên. Phổ biến là dùng từ 6 - 18 tháng, khi mỗi năm chỉ còn tái phát từ 2 lần trở xuống thì ngừng dùng. Thuốc chọn dùng là một trong 3 kháng virus acyclovir, famcyclovir, valacylovir. Liều dùng thấp hơn trong đợt điều trị cấp tính (bằng khoảng 1/2 - 2/3) nhưng vì dùng thường xuyên, lâu dài nên thuốc có tác dụng phụ (tuy không lớn) và tốn kém nên cần phải cân nhắc.
5. Phòng ngừa mụn rộp môi
Tránh căng thẳng mệt mỏi
Không tiếp xúc trực tiếp vùng da đang tổn thương của mình vào người khác như hôn, sờ, chạm, quan hệ tình dục…
Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn lau mặt, ly uống nước, chén, đũa, muỗng, son môi, phấn trang điểm…
Bôi dưỡng ẩm hàng ngày, kem chống nắng cho môi
Song song với việc dùng thuốc cần có chế độ dinh dưỡng tăng khả năng đề kháng cơ thể. Cần hạn chế các loại thức ăn có hàm lượng arginin cao (dừa, đậu nành, sô-cô-la, cà rốt...) vì làm khởi phát và làm nặng thêm vết loét do herpes hiện có do arginin kích thích sự nhân lên của virus, gia tăng vết loét quanh miệng.
Trường hợp tái phát trên 6 lần/năm phải dùng thuốc dự phòng.
DS Trần Thị Hoài Vy-GMP