SỐT XUẤT HUYẾT
DỊCH TỄ HỌC
-
Những trận dịch đầu tiên đã được ghi nhận xảy ra vào những năm từ 1778-1780 ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ. Sự xuất hiện gần như đồng thời của các trận dịch trên ba lục địa khác nhau chứng tỏ rằng virus gây bệnh cũng như véc tơ truyền bệnh đã phân bố rộng rãi trên toàn thế giới từ hơn 200 năm trước. Trong thời gian này Dengue chỉ được xem là bệnh nhẹ. Một vụ đại dịch dengue xuất hiện ở Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ II và từ đó lan rộng trên toàn cầu. Cũng ở khu vực Đông Nam Á, dengue lần đầu tiên được phát hiện ở Philippines vào năm 1950 nhưng đến năm 1970 bệnh đã trở thành nguyên nhân nhập viện và tử vong thường gặp ở trẻ em trong vùng này.
-
Trước đây, sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em. Trong những năm gần đây bệnh cũng gặp nhiều ở cả người lớn với nhiều triệu chứng lâm sàng nặng như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, suy đa tạng, tử vong.
-
Việc cải thiện điều trị đã giúp giảm tỉ lệ tử vong do SXH từ 8,26% trong giai đoạn 1964 đến 1974 xuống còn < 0,3% trong giai đoạn từ 1998 đến 2010. Tỉ lệ tử vong bệnh nhân SXH nặng cũng giảm đáng kể từ 2,47% năm 1998 xuống còn < 1% trong giai đoạn 2004-2010.
-
Ở Việt Nam năm 2022, từ tháng 6 đến tháng 8 hiện đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố. Dịch sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển, bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
-
Tại miền Bắc, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện nhiệt đới Trung ương… đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến nặng với các triệu chứng như sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi…, đa số các ca bệnh này có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam – nơi có dịch sốt xuất huyết đang lưu hành. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân trở về từ miền Nam khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu…
-
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng 6/2022 là 27.765 trường hợp (16 trường hợp tử vong), gấp 2,5 lần so với tháng trước và gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021; số ca mắc trong tháng 7/2022 là 49.807 trường hợp (8 trường hợp tử vong), gấp 1,8 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước; số ca mắc trong tháng 8/2022 là 62.411 trường hợp (25 trường hợp tử vong), gấp 1,3 lần so với tháng trước và gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
-
Hiện nay, bệnh SXH chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả trên cộng đồng. Biện pháp phòng chống chính là kiểm soát véc-tơ trung gian truyền bệnh. Các biện pháp chính bao gồm diệt muỗi ngay từ giai đoạn ấu trùng, hạn chế tối đa nơi muỗi trú ẩn, sinh sản, tránh không để muỗi đốt.
ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Bởi đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.
NGUYÊN NHÂN SINH BỆNH
Do muỗi đốt
Virus Dengue được muỗi vằn hay còn gọi là muỗi Aedes cưu mang sau khi đốt người bệnh mang virus và sau đó đốt người khoẻ mạnh không mang bệnh. Lúc này virus sẽ thông qua vòi muỗi đi vào cơ thể người.
Đặc điểm nhận dạng muỗi Aedes:
-
Muỗi Aedes có hai loại là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó Aedes aegypti là loại gây bệnh sốt xuất huyết và thông thường chỉ có con cái mới hút máu người. Thời điểm hoạt động chủ yếu của nó là vào ban ngày và những nơi có ánh sáng.
-
Thân của nó có màu đen và kẻ trắng đan xen, trên chân có những đốm trắng nên nó còn được biết đến với cái tên tiếng Việt là muỗi vằn.
-
Muỗi vằn ưa thích sinh sống ở những nơi ẩm thấp, tối tăm, ao tù nước đọng như chum nước, lốp bánh xe đọng nước, cây cối rậm rạp,...
-
Tập quán đẻ trứng của loài muỗi này là nó thường tìm đến các chum nước, đồ vật có khả năng đọng nước để đẻ ven miệng những dụng cụ đó. Khi nước dềnh lên trứng sẽ nở và muỗi con có thể đi hút máu sau từ 2 - 3 ngày.
-
Nhiệt độ và độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho mùa sinh sản của muỗi vằn, đặc biệt là vào mùa mưa, nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20 độ C.
-
Cơ chế hoạt động của virus trong cơ thể muỗi: Khi muỗi đốt người bệnh mang virus Dengue, virus sẽ theo vòi hút máu trú ngụ trong cơ thể muỗi với thời gian từ 8 - 11 ngày, sau đó virus ở lại tuyến nước bọt của muỗi cho đến khi muỗi chết đi. Muỗi cái Aedes rất nhạy cảm với môi trường xung quanh, chỉ cần một cử động nhẹ hoặc phản ứng của con người là nó sẽ lập tức bay đi. Sau đó lại tiếp tục quay lại hút máu. Chính thói quen này có thể giúp muỗi vằn truyền bệnh cho nhiều người cùng một lúc. Thậm chí khi mới chỉ cắm vòi vào da người virus cũng đã có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta mà không cần đợi đến khi muỗi hút máu.
-
Con đường lây nhiễm sốt xuất huyết qua việc bị muỗi đốt là phổ biến nhất nên diệt trừ muỗi là biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả.
Sốt xuất huyết có thể bị lây qua đường máu, dùng chung bơm kim tiêm không được khử trùng sạch sẽ
-
Máu truyền cho người lành bị nhiễm virus Dengue của người mang bệnh.
-
Lây truyền từ mẹ sang thai nhi: Khi người mẹ mang mầm bệnh do nhiễm virus sốt xuất huyết, thai nhi cũng rất dễ bị nhiễm bệnh đặc biệt là trong khoảng thời gian 10 ngày trước khi sinh. Những trẻ sơ sinh khi mới chào đời sẽ có biểu hiện bệnh sốt xuất huyết.
-
Khi dùng chung bơm kim tiêm không có biện pháp khử trùng, đặc biệt đối với những người tiêm chích ma túy tập thể.
-
Lây truyền tại bệnh viện: Virus Dengue có thể tồn tại trong rác thải y tế, chế phẩm máu, kim tiêm,...
CHĂM SÓC TẠI NHÀ
-
Uống paracetamol để hạ sốt, khi nhiệt độ trên 38,5 độ C Liều lượng uống tính theo trọng lượng cơ thể người, cụ thể từ 10mg-15mg/1kg thể trọng, có nghĩa là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần và người trên 70kg uống 2 viên/lần, mỗi lần uống phải cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ đồng hồ trong một ngày, có thể kết hợp các phương pháp hạ sốt vật lý như: lau mát, dán miếng dán hạ sốt, tắm nước ấm 40 – 50 độ C trường hợp sau uống thuốc vẫn chưa hạ sốt khi chưa đủ thời gian uống liều kế tiếp.
-
Nghỉ ngơi trong môi trường thoáng mát, thư giãn tại giường.
-
Uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn (từ 2 lít/ngày), uống nước hoa quả, sinh tố, bổ sung vitamin C, B1.
-
Chườm ấm cơ thể, nên mặc quần áo thoáng sẽ giúp tỏa nhiệt nhanh hơn.
-
Ăn những món ăn lỏng, mềm và dễ nuốt, dễ tiêu, giàu năng lượng, giàu protein như cháo thịt nạc, súp…
Lưu ý: tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt vì có khả năng gây nặng thêm tình trạng xuất huyết.
KHI NÀO CẦN ĐẾN BỆNH VIỆN
Phải đến bệnh viện cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu bệnh tiến triển nặng (dấu hiệu nguy hiểm) như sau: Trẻ hết sốt nhưng bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, vã mồ hôi; Người bệnh nôn nhiều, đau bụng; Nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
Trong ngày thứ 4 - 7, người nhà đặc biệt chú ý, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh... cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị.