THOÁI HOÁ KHỚP
1. Khớp và thoái hoá khớp là gì?
Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phần lớn xảy ra ở người lớn tuổi, Bệnh ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Trước 45 tuổi, bệnh thoái hóa khớp thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Sau 45 tuổi, bệnh thoái hóa khớp phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt sau mãn kinh vì sau độ tuổi 30, lượng xương của nữ giới đã bắt đầu giảm từ 0,25 - 1% mỗi năm, giai đoạn tiền mãn kinh khiến cho lượng estrogen trong cơ thể suy giảm là nguyên nhân làm khởi phát bệnh lý về xương khớp. Nữ giới cũng có hệ thống dây chằng quanh khớp gối yếu hơn nam giới nên rất dễ bị tổn thương khi vận động
Tổn thương cơ bản đầu tiên là sụn khớp – mô đệm các đầu xương trong khớp bị mài mòn dẫn đến các đầu xương sẽ ma sát vào nhau gây viêm sưng, tổn thương dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch, về lâu dài sẽ đưa đến biến đổi hình thái của toàn bộ ổ khớp và gây mất chức năng của khớp.
Thoái hóa khớp thường xảy ra chủ yếu ở khớp bàn tay, cột sống cổ và thắt lưng, và các khớp chịu trọng lượng như đầu gối, hông và bàn chân.
2. Nguyên nhân gây ra thoái hoá khớp
Tuổi tác: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp thường gặp. Tuổi tác càng cao thì quá trình lão hóa tự nhiên bên trong cơ thể diễn ra càng nhanh chóng, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysaccaride, làm cho chất lượng sụn kém dần
Thừa cân béo phì: Trọng lượng cơ thể quá lớn gây áp lực lên các khớp đặc biệt là cột sống và khớp gối. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến khớp và hệ thống dây chằng bị tổn thương và gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Luyện tập thể thao quá sức: Luyện tập thể dục thể thao quá là tốt nhưng nếu luyện tập quá độ hoặc không đúng cách sẽ gây chấn thương tại các khớp
Thói quen sinh hoạt và làm việc: Tư thế làm việc, ngồi, nằm hoặc cúi gập người sai tư thế đều có tác động tiêu cực đến hệ thống xương khớp, tính chất công việc phải thường xuyên mang vác vật nặng, ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu
Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn uống không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp phổ biến. Đặc biệt, nếu cơ thể thiếu hụt các yếu tố như canxi, glucosamine và chondroitin sẽ khiến cho mật độ xương giảm dần, hệ thống sụn khớp dễ bị bào mòn và thoái hóa nhanh hơn
Ngoài ra còn do mắc các bệnh lý: Hậu quả của một số bệnh lý xương khớp khác như loãng xương, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp, gout…hoặc do yếu tố di truyền, dị tật bẩm sinh tai khớp, thiếu hụt nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh
3. Triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp
-
Cứng khớp thường kéo dài dưới 30 phút vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi một thời gian.
-
Sưng đau trong và xung quanh khớp, đặc biệt là sau khi hoạt động nhiều
-
Thay đổi khả năng cử động khớp.
-
Cảm thấy có tiếng lộc cộc do các đầu xương va chạm với nhau khi di chuyển
-
Các triệu chứng viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến các khớp theo các cách khác nhau
-
Bàn tay: Sự to ra của xương và thay đổi hình dạng ở các khớp ngón tay
-
Đầu gối: Khi di chuyển có thể nghe thấy tiếng lạo xạo, theo thời gian có thể khiến đầu gối bị vênh do sự suy yếu của hệ thống dây chằng và cơ quanh khớp
-
Hông: Đau và cứng khớp hông hoặc ở háng, đùi trong, cơn đau có thể lan xuống khớp gối, hạn chế cử động hoặc cúi gập người
-
Thoái hóa cột sống cổ: Cổ bị cứng, khó xoay chuyển kèm theo là đau cổ gáy rồi đau lan dần xuống vai và cánh tay
-
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Đau vùng lưng dưới. Trong một số trường hợp, quá trình viêm khớp ở cột sống cổ-thắt lưng có thể gây áp lực lên các dây thần kinh dẫn đến yếu cơ, ngứa ran hoặc tê tay và chân.
4. Cách điều trị thoái hóa khớp
4.1. Mục tiêu điều trị
-
Giảm đau trong đợt cấp
-
Bổ sung dưỡng chất cho khớp, hạn chế tối đa quá trình thoái hóa khớp diễn ra, duy trì khả năng vận động
-
Cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân
4.2. Điều trị trong đợt đau cấp:
Có tác dụng giảm đau, kháng viêm
Thuốc giảm đau đơn thuần: Paracetamol hoặc paracetamol kết hợp với opioid nhẹ (tramadol, codein) có thể được chỉ định khi bệnh nhân đau nhiều không đáp ứng với thuốc giảm đau đơn thuần
Thuốc giãn cơ: Methocarbamol, toperison, eperison có thể dùng nếu đau xuất phát từ các cơ bị căng do gắng sức hỗ trợ các khớp thoái hóa
Thuốc NSAID bôi hoặc dán tại chỗ được chứng minh cho hiệu quả giảm đau, kháng viêm tương đương đường uống cho các khớp nông, như bàn tay và đầu gối nhưng hạn chế được tác dụng phụ lên dạ dày, đặc biệt ở người cao tuổi. Có thể ưu tiên các NSAID ít ảnh hưởng đến dạ dày như meloxicam, etoricoxib, celecoxib nhưng cần cân nhắc dùng nhóm không chọn lọc như piroxicam, naproxen, diclofenac trên những đối tượng có yếu tố nguy cơ hay bênh lý về tim mạch, cần sử dụng liều thấp nhất có thể kiểm soát được trong thời gian ngắn nhất và theo dõi các dấu hiệu trên tim mạch. Bảo vệ dạ dày nên được thêm vào khi sử dụng NSAIDs thường xuyên ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc những đối tượng có tiền sử hoặc đang bị viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển.
Corticosteroid uống: Được sử dụng nếu các thuốc ở trên không có đáp ứng, không dùng kéo dài vì có nhiều tác dụng phụ nặng nề trên toàn thân như hội chứng Cushing (teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng, mặt tròn như trăng, da mỏng, dễ xuất huyết), suy tuyến thượng thận, tăng đường huyết, huyết áp, loãng xương, phù, loét dạ dày tá tràng…
Corticosteroid nội khớp chỉ định cho các trường hợp thoái hóa khớp trong đợt tiến triển, đặc biệt là khi có kèm theo phản ứng viêm, tràn dịch khớp đã loại trừ yếu tố nhiễm hoặc khi tình trạng viêm chỉ còn khu trú ở một vài sếp có thể giúp giảm đau trong thời gian ngắn và tăng tính linh hoạt khớp ở một số bệnh nhân nhưng cần được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín. Thường dùng hydrocortison acetat tiêm khớp gối, mỗi đợt 2-3 mũi tiêm cách nhau 5-7 ngày, không vượt quá 3 mũi tiêm mỗi đợt. Thường xuyên tiêm nội khớp corticosteroid làm tăng nguy cơ mất sụn
Tiêm hyaluronic acid (HA): tác dụng thay thế dịch khớp, duy trì độ nhớt của dịch khớp, bảo vệ các tổ chức của khớp, cải thiện cấu trúc của sụn. tTùy theo trọng lượng phân tử của HA có thể tiêm 1 lần hoặc 3 đến 5 lần cách nhau mỗi tuần, cho mỗi khớp, có thể nhắc lại mỗi 6 tháng – 12 tháng.
Trong trường hợp bệnh nhân có đau rễ thần kinh do thoái hóa cột sống chèn ép, có thể sử dụng giảm đau thần kinh như: gabapentin, pregabalin và dẫn chất vitamin B12
Tuy nhiên, các thuốc ở trên chỉ có tác dụng kháng viêm, không thay đổi được bản chất tổn thương, do đó thường chỉ có tác dụng nhất thời, hoàn toàn có thể tái phát cơn đau vào thời điểm nào đó tùy thuộc tình trạng bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ đi kèm, vì vậy việc điều trị lâu dài bằng cách bổ sung và ngăn chặn quá trình thoái hóa khớp diễn ra là vô cùng quan trọng
4.3. Điều trị lâu dài
Các thuốc tác dụng chậm có tác dụng thay đổi cấu trúc sụn khớp, tái tạo mô sụn, ngăn ngừa thoái hóa sụn và xương dưới sụn: Hiện tại các thuốc sau đây được chấp thuận chỉ định trong điều trị thoái hóa khớp gối và khớp háng.
-
Glucosamin sunphate 1500 mg/ngày kèm hoặc không kèm chondroitin sulphate 1200mg/ngày có thể giúp giảm đau và giảm thoái hóa khớp, nên dùng liên tục trong vòng ít nhất 3 tháng, sau đó ngưng một thời gian và tiếp tục sử dụng lại.
-
Sụn cá mập hay được biết đến trong chế phẩm Cartiligin chứa phần lớn Chondroitin ( chất ức chế men phá huỷ sụn khớp đồng thời xúc tác quá trình tổng hợp acid Hyaluronic tăng tổng hợp chất nhầy cho khớp), đạm, calcium, collagen đều là những thành phần tạo nên chất nền cho khớp, giúp làm tăng độ đàn hồi, tái táo sụn khớp và xương dưới sụn, hỗ trợ điều trị trong những trường hợp thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp…
-
Diacerin 50 mg x 2 lần/ngày. Để phòng ngừa nguy cơ tiêu chảy, nên bắt đầu bằng liều 50 mg/ngày. Không khuyến cáo chỉ định cho bệnh nhân trên 65 tuổi, tiền sử hoặc hiện tại có bệnh lí về gan.
-
Cao toàn phần không xà phòng hóa từ quả bơ và dầu đậu nành như Piascledine, viên 300 mg ngày 1 viên, kéo dài tối thiểu 6 tháng trở lên.
5. Cách phòng bệnh thoái hóa khớp
Để phòng bệnh thoái hóa khớp nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện...).
Chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng như chơi thể thao, đi bộ, bơi, hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức, tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động, khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp.
Kiểm soát cân nặng
Dinh dưỡng bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất (protein, calcium, vitamin D, vitamin A, E, selenium, kẽm, magie) là rất cần thiết
Bổ sung các thực phẩm chức năng có chứa glucosamin, chondroitin, collgane tuýp II, Hyaluronic acid để bổ sung thành phần chất nền cũng như dịch khớp, hạn chế quá trình thoái hóa khớp.
DS.Trần Thị Hoài Vy - GMP