ĐÃ CÓ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ DỨT ĐIỂM CHO VIÊM DA CƠ ĐỊA?
Trước khi trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần biết viêm da cơ địa là gì? Viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis – AD) hay còn có tên gọi là Eczema, là một bệnh da mạn tính, viêm không lây, đặc trưng bởi da khô, ngứa dữ dội, tái đi tái lại. Đây là một rối loạn phức tạp liên quan đến hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, bất thường miễn dịch, yếu tố di truyền, môi trường sống và hệ vi sinh vật trên da (skin microbiome).
“Có thể điều trị dứt điểm viêm da cơ địa không?” Đây là câu hỏi mà Tôi đã nhận được từ rất nhiều bệnh nhân mắc các vấn đề về da liên quan. Thật tiếc phải trả lời rằng, hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, rất đáng mừng là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát lâu dài, đưa về trạng thái “không hoạt động” (remission) nếu áp dụng điều trị đúng và toàn diện.
Để bàn về phương pháp kiểm soát bệnh lý lâu dài, nghĩa là kéo dài khoảng thời gian tái phát càng xa càng tốt. Tôi sẽ giải đáp thắc mắc vì sao không thể điều trị dứt điểm? Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, đa yếu tố với cơ chế bệnh sinh phức tạp từ các lý do sau:
- Di truyền: Liên quan đến đột biến gen filaggrin, biến thể gen filaggrin (FLG) có liên quan mật thiết đến bệnh viêm da cơ địa và các bệnh dị ứng khác. Đột biến gen này làm giảm sản xuất protein filaggrin, một thành phần quan trọng của hàng rào bảo vệ da, dẫn đến da khô, dễ bị kích ứng và tăng nguy cơ nhiễm trùng do ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da.
- Miễn dịch: Sự tăng hoạt quá mức của tế bào Th2, Th17 làm da viêm mãn. Hệ miễn dịch là một nội dung rất chuyên sâu. Cơ chế miễn dịch là một thiết lập bảo vệ cơ thể một cách tự nhiên. Tuy nhiên, sự rối loạn của các hệ tế bào miễn dịch có thể thúc đẩy sự phát triển của các bệnh lý tự miễn.
- Yếu tố môi trường: Dị nguyên từ môi trường, thời tiết, thực phẩm.
- Rối loạn hệ vi sinh có lợi trên da (Skin microbiome): Hệ vi sinh có lợi trên da này đóng vai trò khá quan trọng trong cơ chế bảo vệ cộng sinh, các tác động từ việc dùng các sản phẩm ngoài da chứa các chất làm sạch, mùi hương, tạo bọt, và thậm chí là tâm lý căng thẳng sẽ giết chết các lợi khuẩn của da, từ đó tạo điều kiện thuận lợi gây tăng Staphylococcus aureus trên da làm bệnh nặng hơn.
Vậy phương án tích cực dành cho bệnh nhân là gì? Ngày nay, đã có những tiến bộ nổi bật trong điều trị như:
a. Điều trị nền tảng (Cơ bản và duy trì)
- Dưỡng ẩm (emollients): Nền tảng giúp phục hồi hàng rào da.
- Chăm sóc da đúng cách: Tránh xà phòng kiềm, tắm nước ấm ngắn nhiệt độ 36-40 độ C, hạn chế gãi, chà xát, sử dụng khăn mềm.
- Tránh dị nguyên: Như bụi, mạt nhà, thực phẩm, hóa mỹ phẩm chứa nhiều thành phần chất tạo mùi, chất tạo bọt, chất tẩy sạch.
b. Điều trị triệu chứng khi có đợt bùng phát và tất nhiên điều này phải dưới chỉ định và hướng dẫn của người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế.
- Corticosteroid bôi ngoài: Theo nguyên tắc bậc thang, đúng liều, ngắn hạn.
- Calcineurin inhibitors (Tacrolimus, Pimecrolimus): Đặc biệt hữu ích ở vùng mặt, nếp gấp và tình trạng dùng Corticosteroid chưa kiểm soát được có xu hướng đề kháng và tổn thương da rõ rệt.
- Kháng Histamine: Giúp giảm ngứa, giảm nhanh các cảm giác khó chịu, tránh tiến vào vòng xoáy bệnh lý ngữa - gãi - ngừa nhiều hơn dễ dẫn đến các tổn thưởng hở trên bề mặt da và hỗ trợ giấc ngủ vào ban đêm.
- Kháng sinh: Khi có bội nhiễm
c. Điều trị hệ thống – khi bệnh nặng/mạn tính không kiểm soát được. Hướng điều trị này hẳn nhiên phải kiểm soát thật sự nghiêm túc bởi các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị.
- Dupilumab (Thuốc sinh học): Kháng thể đơn dòng ức chế IL-4 và IL-13 – đã được FDA chấp thuận.
- JAK inhibitors (Baricitinib, Upadacitinib…): Lựa chọn mới nhưng cần theo dõi tác dụng phụ.
- Quang trị liệu (NB-UVB): Hiệu quả cao trong AD trung bình – nặng.
Vai trò của Dược sỹ, Bác sỹ tại cộng đồng:
- Tư vấn chăm sóc da nền đúng cách cho bệnh nhân.
- Tư vấn theo dõi yếu tố khởi phát cá nhân hóa.
- Hướng dẫn cách sử dụng corticosteroid hợp lý.
- Hướng dẫn chăm sóc da chuyên biệt.
- Hỗ trợ chuyển tuyến sớm khi có biểu hiện nặng.
Viêm da cơ địa chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát hiệu quả và giãn cách các đợt cấp càng ngày càng xa nếu được điều trị cá thể hóa, phối hợp đa ngành và giáo dục người bệnh đúng cách. Phối hợp giữa y học hiện đại – chăm sóc cá nhân hóa – theo dõi sát chính là chìa khóa đưa vấn đề da của bệnh nhân về trạng thái “không hoạt động” trong thời gian dài. Cám ơn Bạn đã đọc hết bài viết. Chúc Bạn và Gia đình luôn có một sức khoẻ tốt.
Người viết nội dung: Dược sỹ Đại học Huỳnh Kim Thoa