Thể thao là một phần quan trọng trong cuộc sống, giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, thể thao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là chấn thương. Việc hiểu rõ các chấn thương thường gặp và cách phòng tránh là điều vô cùng cần thiết để duy trì cuộc sống khoẻ mạnh và hạnh phúc.
1. Chấn thương thường gặp
1.1. Chấn thương cơ và dây chằng
- Giãn hoặc rách cơ: Thường gặp ở những người mới tập luyện hoặc tập quá sức.
- Đứt dây chằng chéo trước (ACL): Phổ biến trong các môn thể thao đối kháng như bóng đá, bóng rổ.
- Rách sụn chêm: Do xoay gối đột ngột, gây đau và hạn chế vận động.
1.2. Chấn thương xương khớp
- Gãy xương do áp lực: Xuất hiện do luyện tập quá mức mà không có thời gian hồi phục.
- Trật khớp: Xảy ra khi một lực mạnh tác động khiến xương rời khỏi vị trí ban đầu.
1.3. Chấn thương do tác động ngoại lực
- Chấn động não (concussion): Thường gặp trong các môn thể thao có va chạm mạnh như bóng bầu dục, quyền anh.
- Bầm tím, rách da: Do va đập trong quá trình thi đấu hoặc tập luyện.
2. Ảnh hưởng lâu dài có thể gây ra
2.1. Hạn chế chức năng vận động
Chấn thương nghiêm trọng có thể làm suy giảm khả năng vận động, gây đau mạn tính và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Người tham gia thể thao có thể không quay lại hoạt động ở nhịp độ thông thường được nữa.
2.2. Thoái hoá xương khớp sớm và tiến triển bệnh lý mãn tính
Thoái hóa khớp sớm là một trong những hệ quả của việc không chăm sóc tốt khớp sau chấn thương hoặc tần suất tập luyện quá độ, đặc biệt là các dạng tập áp lực lên khớp mạnh và thường xuyên. Những chấn thương không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến thoái hóa sụn, viêm khớp, đau lưng mạn tính và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
2.3. Tác động tâm lý
Người bị chấn thương lâu ngày có thể gặp vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm do mất khả năng vận động và gián đoạn các hoạt động thể thao yêu thích. Điều này dễ dẫn đến các tiêu cực kéo dài, ngắt quãng mơ ước với các vận động viên thể thao.
3. Cách phòng tránh để giảm thiểu chấn thương thường gặp
3.1. Khởi động và thư giãn cơ
- Khởi động trước khi tập luyện giúp cơ bắp linh hoạt hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
- Giãn cơ sau buổi tập giúp tăng cường sự hồi phục.
3.2. Luyện tập đúng kỹ thuật
Thực hiện động tác đúng kỹ thuật là yếu tố quan trọng để tránh chấn thương. Việc luyện tập dưới sự hướng dẫn của chuyên gia giúp giảm nguy cơ sai sót.
3.3. Nghỉ ngơi
Không nên tập luyện quá sức mà cần dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi để phục hồi, cơ thể Chúng ta hoạt động là tổng thể hài hoà cần thời gian để phục hồi các trạng thái của tế bào, tối kỵ nhất trong luyện tập chính là không cho cơ thể thời gian lấy lại sức, đặc biệt là sau các buổi tập cường độ cao.
3.4. Sử dụng trang phục phù hợp với môn tập
Sử dụng giày thể thao, dụng cụ bảo hộ phù hợp giúp giảm nguy cơ chấn thương khi tham gia hoạt động thể thao. Mỗi môn tập luyện đều có các đặc thù hoạt động riêng của từng nhóm cơ và các khớp, vì vậy, cần thiết chú trọng đến lựa chọn trang phục khi bắt đầu tham gia thể thao theo từng môn tập là cách hữu hiệu để hạn chế các chấn thương xuất hiện. Ví dụ: Giày chuyên chạy bộ, giày chuyên đánh cầu lông, giày chuyên đá bóng,…
3.5. Bổ sung nước và dinh dưỡng phù hợp
Một chế độ ăn uống hợp lý, giàu protein, canxi và vitamin giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và xương khớp, giảm nguy cơ chấn thương.
Uống đủ nước và bổ sung điện giải trường hợp tập luyện các môn thể thao tăng tiết mồ hồi, các tế bào của cơ thể hoạt động nhờ nước, năng lượng và các kênh ion.
Tóm lại: Thể thao mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu Chúng ta hoạt động một cách tự phát và thiếu thận trọng. Việc trang bị kiến thức về chấn thương thể thao và thực hiện các biện pháp phòng tránh là cách giúp duy trì một lối sống năng động, khỏe mạnh và bền vững.
Trường hợp có chấn thương, cần thiết đến gặp Chuyên gia Y tế như Dược sỹ, Bác sỹ, nhân viên Y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời và đúng cách, điều đó giúp Bạn nhanh chóng hồi phục, tránh những hậu quả lâu dài về sau.
Nhìn nhận rộng hơn, không chỉ là thể thao mà ở mọi lĩnh vực đều cần trang bị các kiến thức liên quan để có thể bảo vệ bản thân tốt hơn. Cám ơn Bạn đọc đã đọc hết bài viết. Chúc Bạn đọc và Gia đình luôn bình an và khoẻ mạnh.
Người viết nội dung: Dược sỹ Đại học Huỳnh Kim Thoa