TÁC HẠI TIỀM ẨN CỦA NƯỚC UỐNG MATCHA
Từ góc độ chuyên môn, matcha là một dạng bột trà xanh nguyên chất có hàm lượng catechin, caffeine và L-theanine cao, matcha có nhiều lợi ích như chống oxy hóa, tăng tập trung và hỗ trợ chuyển hóa, nhưng tuỳ theo đối tượng sử dụng hoặc lượng dùng mà vẫn có thể có vài điểm cần lưu như như sau:
Caffeine trong matcha cao hơn trà xanh thông thường (do dùng cả lá nghiền). Uống nhiều dễ gây kích thích thần kinh, tim mạch dẫn đến các dấu hiệu: Hồi hộp, mất ngủ, lo âu, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
Uống lúc đói có thể kích thích tăng tiết acid dạ dày, dẫn đến: Đau thượng vị, ợ chua, buồn nôn. Trường hợp có viêm loét dạ dày – tá tràng thì nên tránh dùng.
Catechin trong matcha ức chế hấp thu sắt từ thực phẩm, dùng thường xuyên cùng với bữa ăn lâu dần sẽ có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt, đặc biệt là đối tượng người ăn chay, phụ nữ có thai. Vì vậy, rất cần tách thời điểm uống matcha sau bữa ăn 2 giờ và với đối tượng uống viên thuốc sắt thì phải uống cách nhau 2 giờ.
Nguy cơ nhiễm tạp chất gây độc
- Matcha nếu trồng ở vùng đất nhiễm kim loại nặng (như chì) có thể tích lũy trong lá. Dùng lâu dài có nguy cơ ngộ độc chì, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người già. Do đó, cần chọn nguồn gốc rõ ràng, chuẩn hữu cơ.
- Matcha pha thành các loại nước uống mức độ an toàn sẽ lệ thuộc vào nguồn gốc nguyên vật liệu pha chế, điều kiện an toàn vệ sinh khi pha chế. Đây là điều mà thực tế bối của chúng ta chưa đáp ứng được sự đảm bảo an toàn từ nhiều khía cạnh để tạo ra sản phẩm là ly nước mà người dùng sử dụng trực tiếp.
- Với vài loại thuốc điều trị, Matcha có thể ảnh hưởng đến dược động học của một số thuốc:
- Thuốc chống đông (warfarin): Catechin có thể đối kháng tác dụng.
- Thuốc ức chế MAO:Kết hợp với caffeine dễ gây tăng huyết áp đột ngột.
- Theophylline: Kết hợp caffeine làm tăng độc tính.
Tóm lại, bất cứ đồ ăn, thức uống, thực phẩm bổ sung hay thuốc thì chỉ có lợi khi dùng đúng cách và đúng loại, matcha cũng thế, matcha có lợi khi sử dụng đúng thời điểm, với lượng khuyến nghị. Và cần đặc biệt lưu ý khi:
- Dùng cho người có bệnh lý tim mạch, dạ dày, thiếu máu.
- Phối hợp với các thuốc chuyển hóa qua gan hoặc thuốc chống đông.
- Dùng trong nhóm đối tượng đặc biệt (trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền).
Khuyến nghị an toàn:
- Giới hạn dùng: Không quá một ly/ngày
- Không uống khi đói bụng
- Không dùng cùng lúc với bữa ăn giàu sắt hoặc đang bổ sung viên sắt.
- Chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (hữu cơ, không nhiễm chì), chọn quầy quán có đầy đủ tin cậy về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi trải nghiệm đồ uống.
- Không uống khi đang sử dụng các loại thuốc như đã nêu ở trên.
Người viết nội dung: Dược sỹ Đại học Huỳnh Kim Thoa