PHÒNG NGỪA BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Ở TRẺ EM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh truyền nhiễm do virus họ Enterovirus gây ra. Đây là một bệnh lý phổ biến ở trẻ dưới 10 tuổi và có thể lây lan rất nhanh trong trường học, nhà trẻ hoặc cộng đồng.
Các ca bệnh TCM có xu hướng tăng nhiều nhất là vào khoảng tháng 03 đến tháng 05, tháng 09 đến tháng 12. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp xảy ra quanh năm và bệnh TCM không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng
TCM có thời gian ủ bệnh thường là 3 – 5 ngày. Nhưng cũng có trường hợp sớm hơn (2 ngày) và muộn hơn (7 ngày).
Dấu hiệu sớm có thể nhận biết là: Sốt: một số trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, thường từ 37.5 - 38.8 độ C, mệt mỏi, bỏ ăn (dấu hiệu ở trẻ chưa biết nói), đau họng, đau miệng.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là:
Lở loét trong miệng, thường sẽ xuất hiện ở vùng hầu họng (gần lưỡi gà), lưỡi, hai bên niêm mạc má, môi. Các nốt lở thường xuất hiện 1 đến vài nốt với kích cỡ 2mm – 3mm.
Tổn thương hồng ban có mụn nước hoặc không có mụn nước, thường xuất hiện ở ổ miệng, lòng bàn tay lòng bàn chân, đôi khi xuất hiện ở mông và đầu gối.
Tay chân miệng lây lan như thế nào?
Virus gây bệnh sống trong chất dịch cơ thể của người nhiễm bệnh như:
- Chất nhầy ở mũi
- Nước bọt
- Dịch từ vết loét hoặc mụn nước
Bệnh nhân mắc TCM có khả năng lây nhiễm cho người khác cao nhất là trong tuần đầu tiên. Dù có triệu chứng hay không thì virus vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể người bệnh vài tuần có khi vài tháng.
Biến chứng
TCM thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu như được phát hiện và điều trị sớm.
Một số biến chứng có thể gặp và cần phải nhập viện như:
- Giảm ăn uống có thể dẫn đến mất nước và có thể phải nhập viện để được truyền dịch ngoài đường tiêu hóa
- Viêm não
- Liệt mềm cấp tính
- Viêm màng não vô trùng
- Viêm cơ tim
Cách điều trị tại nhà và phòng ngừa bệnh tay chân miệng
- Điều trị tại nhà
Thường bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi trong 1 tuần. Bạn có thể làm những việc sau để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn:
- Sử dụng thuốc không kê đơn như Acetaminophen (tên gọi khác paracetamol) hoặc Ibuprofen. Để biết liều dùng phù hợp với trẻ thì bạn nên hỏi ý kiến của Dược Sỹ
- Đảm bảo trẻ uống nhiều nước. Các vết loét trong ổ miệng làm trẻ thấy đau vì vậy trẻ thường không muốn ăn uống. Cho trẻ uống nhiều nước để không bị mất nước. Kem lạnh có thể làm dịu cơn đau của trẻ, các thức ăn mềm như bánh bông lan, bánh pudding,… sẽ dễ ăn hơn đối với trẻ bị TCM.
- Nếu trẻ lớn hơn 6 tuổi, hãy cho trẻ súc miệng mỗi ngày 3 lần bằng các loại nước súc miệng cho trẻ em như: TB Kid, Sumicare for kid hoặc nước muối sinh lý. Trẻ có thể súc miệng sau đó nhổ ra, không được nuốt.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua ăn đầy đủ hoặc bổ sung nhiều loại Vitamin và vi lượng (Kẽm, Selen,...) bằng đường uống, các dạng Thymomodulin hỗ trợ trực tiếp cho hệ miễn dịch ví dụ: Multivitamins for Kid Sunlife, TP Thymin Corke,…tham khảo thêm ý kiến của Dược Sỹ hoặc Bác Sỹ để định liều phù hợp cho lứa tuổi của trẻ.
- Cách phòng ngừa
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh tay chân miệng là rửa tay thường xuyên và đúng cách ngay cả khi trẻ đã khỏi bệnh. Điều này giúp hạn chế tình trạng lây lan virus.
Bạn có thể dạy trẻ rửa tay đúng cách, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh với các bước như sau:
- Làm ướt tay và bôi xà phòng đều lên tay
- Xoa hai bàn tay vào nhau ít nhất 20 giây và đảm bảo rằng cổ tay, móng tay và giữa các ngón tay được làm sạch
- Rửa sạch tay lại với nước
- Lau khô bằng khăn giấy dùng 1 lần
Nếu như bạn ở nơi không có xà phòng hoặc không tiện để rửa tay thì cồn 70 độ, gel rửa tay khô, chlorhexidine là một chất diệt khuẩn tốt nhất, nhưng nếu có thể thì chúng tôi khuyên bạn nên rửa tay bằng xà phòng.
Bên cạnh đó, việc khử trùng mặt bàn, đồ chơi hoặc những nơi, những vật trẻ có thể chạm vào cũng rất quan trọng để phòng tránh bệnh.
Nếu trẻ đang bị bệnh thì bạn hãy cho trẻ nghỉ học, ở nhà theo dõi và tránh cho trẻ chạm vào các vết loét.
Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Khi thấy trẻ có những biểu hiện dưới đây thì phụ huynh hoặc người giám hộ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Các biểu hiện như:
- Sốt cao trên 39 độ C liên tục không hạ
- Run chi, yếu chi
- Đi đứng mất thăng bằng
- Đau lưng, đau đầu
- Rung giật nhãn cầu, mắt đảo bất thường
- Khó khăn trong hô hấp
- Ngủ giật mình, nôn ói, quấy khóc (dỗ không nín)
- Co giật.
Chúng tôi hy vọng qua bài viết này các bạn có thể phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng như là cách phòng tránh và các dấu hiệu nặng để có thể kịp thời giúp đỡ cho việc điều trị bệnh.
DS Trần Thị Hoài Vy và DS Huỳnh Tuấn Can - Golden Mouse