TRÀ SỮA VÀ LƯỢNG ĐƯỜNG "ẨN"
Một ly trà sữa trung bình (500ml) có thể chứa từ 18 – 50g đường, tương đương với 4,5 – 12,5 muỗng cà phê đường. Nhiều loại “trà sữa full topping” có thể đưa lượng đường lên đến 60g hoặc hơn như thế. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 25g đường tự do/ngày (≈ 6 muỗng cà phê) để phòng ngừa béo phì, đái tháo đường type II và bệnh lý tim mạch. Theo số liệu ở trên, thật tiếc khi phải thẳng thắn rằng chỉ một ly trà sữa/ngày đã vượt gần 2,5 lần ngưỡng an toàn này theo khuyến cáo này.
1. Đường – thủ phạm thầm lặng của “bệnh thời đại”
1.1. Đái tháo đường type II
Lượng đường nạp vào hằng ngày nhiều thường xuyên sẽ có thể thúc đẩy quá trình rối loạn chuyển hoá glucid, vì hằng ngày Chúng ta còn ăn các bữa ăn theo nhu cầu ngoài ly trà sữa, việc chuyển hoá rối loạn này sẽ dẫn đến đường huyết tăng cao, tăng cao thường làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường (ĐTĐ) type II. Nghiên cứu của Harvard cũng có đề cập nếu tiêu thụ ≥ 01 ly nước ngọt/ngày (Bao gồm trà sữa) làm tăng 26% nguy cơ ĐTĐ type II.
1.2. Béo phì và hội chứng chuyển hóa.
Đường dư thừa chuyển hóa thành mỡ tích tụ gây rối loạn lipid máu, thông thường sẽ dễ kèm theo rối loạn chuyển hoá cả protid, thúc đẩy hình thành xơ vữa mạch máu, tăng yếu tố nguy cơ tim mạch, song song đó cơ quan nội tang sẽ có nguy cơ nhiễm mỡ, đầu tiên là gan nhiễm mỡ, tiến triển bệnh lý gout, dòng tuần hoàn xuất hiện các thành phần vượt ngưỡng dễ làm thay đổi độ nhớt, hoạt động tưới máu các cơ quan trọng yếu bị cản trở dễ xuất hiện các bệnh lý gây tăng huyết áp, suy thận,..v..v.. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi béo phì và hội chứng chuyển hóa là “đại dịch kép” của thế kỷ 21.
1.3. Tác động đến trẻ em và thanh thiếu niên
Đường cao trong máu với người trẻ sẽ có vài diễn tiến liên quan tăng động, giảm tập trung, dễ bị sâu răng. Một nghiên cứu thực hiện ở Singapore đưa ra rằng: Học sinh uống trà sữa 3–5 lần/tuần có tỷ lệ thừa cân cao hơn 28%. Thừa cân không được kiểm soát sẽ dẫn đến béo phì và hậu quả sẽ như ở ý 1.3 ở trên.
1.4. Tác động đến quá trình lão hoá của tế bào
Đường là một nguyên liệu cung cấp năng lượng nhanh chóng cho tế bào hoạt động, nhưng Chúng ta đều biết rằng, mọi thứ chỉ tốt khi “vừa đủ”. Đường nạp vào cơ thể nhiều sẽ khiến quá trình lão hoá của tế bào bị thúc đẩy, diễn tiến nhanh hơn quy trình thông thường, là kẻ thù của việc gìn giữ thanh xuân và sức khoẻ.
2. Ngụy trang dưới cái tên “sữa”: Trà sữa không bổ dưỡng như ta tưởng
Trà sữa công nghiệp chủ yếu là kem béo thực vật và sirô ngô cao fructose (HFCS), hương liệu tổng hợp, chất bảo quản, chất tạo màu thường xuyên hiện diện. Trong vài ly trà sữa thì thật sự cũng có sữa nhưng uống trà sữa không giống nhưng uống thức uống dinh dưỡng từ sữa tươi, sữa hạt, hoặc sữa chua tự nhiên.
3. “Trà sữa không có lỗi – nhưng dùng sai cách thì có.”
Vậy dùng sao cho đúng? Khuyến khích mỗi tuần nên một ly trà sữa thôi, tập uống ít đường (Không quá 30%), ít “topping”, tránh các sản phẩm chứa fructose và chất béo chuyển hoá đồng thời.
Dược sỹ hoặc những chuyên gia dinh dưỡng cần chủ động giáo dục cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh và giới trẻ về nguy cơ tiềm ẩn nếu dùng quá độ. Khuyến khích dùng trà thảo mộc, nước ép không đường, sữa hạt không thêm đường.
Chung quy lại, mỗi ngày đều đặn một ly trà sẽ có thể tăng nguy cơ bệnh tật như nói ở trên, cần kiểm soát tần suất và lượng uống để vẫn thoả mãn được sở thích nhưng chế độ ăn uống được đảm bảo lành mạnh. Hãy uống với trí tuệ dinh dưỡng – vì sức khỏe chính là “món quà” bền vững nhất của thời đại. Cám ơm Bạn đã đọc hết bài viết. Chúc Bạn và Gia đình luôn bình an và khoẻ mạnh, mỗi ngày tận hưởng mọi mỹ vị thế gian một cách an toàn.
Người viết nội dung: Dược sỹ Đại học Huỳnh Kim Thoa