TRẦM CẢM MÙA XUÂN (SAD)
Mùa xuân thường gắn liền với sự tươi mới, nảy nở và tràn đầy sức sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm nhận được niềm vui trọn vẹn khi xuân về. Một số người trải qua cảm giác lo âu, buồn bã và mất động lực khi mùa xuân đến, hiện tượng này được gọi là Trầm cảm theo mùa (Seasonal Affective Disorder – SAD).
1. TRẦM CẢM MÙA XUÂN LÀ GÌ?
Trầm cảm mùa xuân (SAD) là một dạng rối loạn cảm xúc theo mùa, xảy ra vào mùa xuân khi cơ thể và tâm lý phản ứng với sự thay đổi của thời tiết, ánh sáng và nhịp sống.
2. NGUYÊN NHÂN GÂY RA TRẦM CẢM THEO MÙA
- Thay đổi sinh học: Việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tăng lên đột ngột có thể gây rối loạn nhịp sinh học, ảnh hưởng đến giấc ngủ và năng lượng.
- Áp lực xã hội: Mùa xuân thường đồng nghĩa với các hoạt động xã hội nhiều hơn, điều này có thể tạo áp lực đối với những người hướng nội hoặc có xu hướng lo âu.
- Cảm giác chơi vơi: Khi thấy những người xung quanh trải qua niềm vui và sự hân hoan, những người đang trầm cảm có thể cảm thấy bị cô lập hơn.
- Mạng xã hội: Mạng xã hội làm cho sự tương tác và kết nối thực tế của Chúng ta giảm đi, sự cảm nhận về thiên nhiên và thế giới chân thật xung quanh không còn nữa, sự co cụm này cũng dễ làm xuất hiện nhiều cảm xúc chông chênh ở những thời điểm thay đổi nhịp sống và nhịp sinh học.
3. TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM MÙA XUÂN
- Mệt mỏi kéo dài: Cảm giác thiếu năng lượng dù đã nghỉ ngơi đầy đủ.
- Giảm động lực và hứng thú: Không còn quan tâm đến những hoạt động từng yêu thích.
- Lo âu và căng thẳng: Dễ cáu gắt, căng thẳng với những vấn đề nhỏ nhặt.
- Rối loạn giấc ngủ: Ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ kéo dài.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Ăn quá ít hoặc thèm ăn quá mức, đặc biệt là đồ ngọt và tinh bột.
- Khó tập trung: Cảm thấy lơ đãng, khó hoàn thành công việc hằng ngày.
- Cảm giác cô đơn và tuyệt vọng: Dễ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc vô dụng.
4. BIỆN PHÁP LÀM GIẢM NHẸ TÂM LÝ KHI MẮC SAD
- Duy trì thời gian hoạt động ngoài trời: Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên giúp cơ thể điều hòa nhịp sinh học. Đi dạo vào buổi sáng có thể giúp cải thiện tâm trạng đáng kể.
- Chủ động kết nối: Duy trì tương tác xã hội, ngay cả khi bạn không thấy hào hứng. Tránh cô lập bản thân và tìm kiếm sự chia sẻ từ gia đình, bạn bè.
- Giữ lịch trình ổn định: Cân bằng giấc ngủ, dinh dưỡng và hoạt động hằng ngày để tránh những thay đổi tiêu cực về tâm trạng.
- Rèn luyện thể chất: Tập thể dục thường xuyên giúp giải phóng endorphins – một loại hormone giúp cải thiện tâm trạng.
- Thư giãn và chăm sóc bản thân: Các hoạt động như yoga, thiền định hoặc sở thích cá nhân có thể giúp giảm căng thẳng.
- Tìm đến hỗ trợ chuyên môn: Nếu cảm giác trầm cảm kéo dài và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hãy tìm đến Bác sĩ tâm lý hoặc Chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ kịp thời.
Trầm cảm mùa xuân là một vấn đề cần được nhận diện và quan tâm. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và áp dụng các biện pháp giảm nhẹ sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng và giúp Chúng ta không tiến triển trạng thái bệnh lý thật sự. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải những dấu hiệu như trên, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ để có một cuộc sống tinh thần khỏe mạnh hơn. Cuộc sống tinh thần tốt sẽ tạo nhiều động lực cho đổi mới sáng tạo và bức phá giới hạn của bản thân trong học tập và sự nghiệp. Các đề xuất cải thiện ở trên Bạn đọc cũng nhận thấy chính là Chúng ta cần gần gũi thiên nhiên, va chạm với đời sống thực, việc tiếp cận và lạm dụng mạng xã hội sẽ làm cho Chúng ta dễ mắc phải trạng thái SAD này. Cám ơn Bạn đã đọc hết nội dung, xin chúc Bạn đọc và Gia đình luôn có nguồn năng lượng tươi mới và sức khoẻ tốt mỗi ngày.
Người viết nội dung: Dược sỹ Đại học Huỳnh Kim Thoa