Thói quen thức khuya đã không còn xa lạ với mọi người đặc biệt là những người trẻ trong xã hội hiện đại như ngày nay. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc thức khuya thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm trạng của con người. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc hoặc học tập của bạn.
Từ bỏ thói quen thức khuya sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và tinh thần của bạn. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ nói về các tác hại của thức khuya và cung cấp cho bạn một số thông tin và lời khuyên để có thể hỗ trợ bạn trong việc từ bỏ thói quen “lợi bất cập hại” này.
Tác động thói quen thức khuya đến sức khỏe và tinh thần
- Suy giảm trí nhớ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ngủ không đủ giấc sẽ ghi nhớ kém hơn và độ tập trung cũng kém hơn so với những người ngủ đủ giấc. Vì thời gian ban đêm là lúc não cần nghỉ ngơi, ghi nhớ và sắp xếp lại các việc xảy ra trong ngày, việc thức khuya sẽ làm giảm thời gian nghỉ của não bộ và sẽ gây ra triệu chứng “não cá vàng”.
- Giảm sức đề kháng
Quá trình ngủ là quá trình cơ thể hồi phục sau một ngày hoạt động, làm việc, học tập. Thức khuya nhiều thì thời gian hồi phục sẽ ngắn lại vì vậy sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau. Khi cơ thể không đủ thời gian hồi phục thì sẽ dễ mắc các bệnh như bệnh đường hô hấp, cúm,… hơn những người ngủ đủ giấc.
- Nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng
Trong một công bố khoa học năm 2016 của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ có nói rằng, thức khuya dẫn đến ngủ không đủ giấc sẽ gia tăng 20% khả năng mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa như huyết áp, cholesterol máu, đường huyết,
- Giảm chất lượng cuộc sống
Đa số những người ngủ muộn phản hồi rằng họ bị giảm chất lượng cuộc sống và rất dễ stress trong công việc. Thức khuya khiến các bạn phải ngủ nhiều hơn vào ban ngày, vì vậy đa số mọi người sẽ “cắt giảm” các hoạt động yêu thích để ngủ bù. Nếu không được ngủ bù thì cơ thể mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật tại nơi học tập hoặc nơi làm việc và bạn sẽ bị khiển trách hay thậm chí gây ra thiệt hại khi không hoàn thành công tác. Từ đó dễ cáu gắt với những người xung quanh.
Các cách để từ bỏ thói quen thức khuya
Cải thiện thói quen để ngủ đủ và ngon hơn mỗi ngày được gọi là vệ sinh giấc ngủ. Các cách chúng tôi nêu ra dưới đây có thể giúp bạn cải thiện được giấc ngủ của mình.
- Đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm hàng ngày
- Chỉ uống Cafe, trà, các loại thực phẩm có cafein vào buổi sáng
- Tránh uống rượu bia vào buổi tối
- Tránh hút thuốc, đặc biệt là buổi tối
- Giữ cho phòng ngủ của bạn thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, có thể dùng tinh dầu treo trong phòng để hỗ trợ thư giãn
- Tránh nhắc về công việc hay bất cứ việc gì gây căng thẳng
- Cố giải quyết các vấn đề bạn gặp trước khi ngủ
- Tập thể dục 5-7 ngày/tuần (không nên tập thể dục trước khi ngủ)
- Tránh nhìn vào các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng, điều này sẽ làm bạn khó đi vào giấc ngủ hơn
- Tránh ngủ ngày quá nhiều, nếu do tính chất công việc thì giấc ngủ trưa 20-30 phút là tốt nhất
Ngoài ra, bổ sung thực phẩm chức năng như Ginko Biloba, Vitamin nhóm B, Omega 3, các chất chống oxy hoá khác … có thể giúp giảm các gốc tự do, giảm stress và tăng cường lưu thông máu não khiến cho bạn ngủ ngon hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng thức khuya là một thói quen không chỉ làm cho chúng ta mệt mỏi và buồn ngủ vào ngày hôm sau mà nó còn ảnh hưởng đến tính tình và sức khỏe, thậm chí là nâng cao tỷ lệ tử vong. Vì vậy, để có một sức khỏe tốt thì từ bỏ thói quen thức khuya và vệ sinh giấc ngủ là một việc cần thiết để thay đổi ngay hôm nay.
DS Trần Thị Hoài Vy và DS Huỳnh Tuấn Can - Golden Mouse